Sử dụng ChatGPT trong nghiên cứu? Tại sao không?

Với sự bùng nổ của ChatGPT cuối năm 2022, khi thế giới đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, kỷ nguyên số đã thay đổi một cách chóng mặt. Trên khắp các diễn đàn công nghệ lẫn mạng xã hội, những bài đăng, chia sẻ về việc sử dụng ChatGPT với đa dạng tình huống xuất hiện nhanh chóng. Sức mạnh và độ “thông minh” của công cụ này vượt xa với những mô hình Large Language Model (LLM) trước đó, thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là những ai đam mê công nghệ.

Đối với những ai làm nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công nghệ thông tin (IT) hẳn không thể bỏ qua ChatGPT. Vậy, sử dụng ChatGPT có giúp ích cho việc nghiên cứu hay không? Sử dụng nó thế nào là hợp lý?

Công cụ dịch (translator) và giải nghĩa.

ChatGPT là mô hình LLM, hỗ trợ hầu hết các ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. ChatGPT có thể giúp bạn dịch và giải nghĩa một đoạn văn bản phức tạp - xuất hiện thường xuyên trong các tạp chí khoa học, với nhiều thuật ngữ khó hiểu, kèm cách thành văn đôi khi lủng củng từ các tác giả không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ. Bạn có thể copy đoạn văn và yêu ChatGPT giải thích một đoạn văn ngắn, kèm giải nghĩa bằng tiếng Việt, với độ chính xác lên đến 99%. Mẹo nhỏ, bạn nên cung cấp cho ChatGPT càng nhiều nội dung từ bài báo gốc càng tốt. Một số mẹo nhỏ ở mục này:

  • Sao chép cả đoạn văn bạn chưa hiểu rõ, đừng chỉ một vài câu mà bạn không hiểu.
  • Khi viết paper, tác giả hẳn đã sắp xếp nội dung đầy đủ vào một đoạn văn. Do đó, bạn không nên sao chép quá nhiều nội dung (đẩy toàn bộ paper hay một chương, mục của paper vào). Như vậy vừa tốn kém vừa không hiệu quả. Mở rộng thêm, tuy ChatGPT có khả năng đọc nội dung rất lớn, nhưng mình không khuyến khích các bạn sử dụng các công cụ tóm tắt tài liệu để dịch và tóm tắt nội dung của một bài báo. Các bạn có biết vì sao không?

Công cụ trao đổi thảo luận

ChatGPT phiên bản mới nhất (gpt4-o) được cập nhật “kiến thức” tới cuối năm 2023. Do đó nhiều thuật ngữ, kỹ thuật, phương thức mới đã được cập nhật và bộ nhớ của nó. Thay vì tìm kiếm trên google, các bạn có thể “hỏi” ChatGPT, thảo luận với nó về một công thức chung nào đó, hoặc một chuỗi thao tác mà bạn muốn thực hiện. ChatGPT sẽ dựa vào lượng dữ liệu khổng lồ mà nó được đào tạo để đưa ra gợi ý hữu ích cho bạn. Một vài mẹo nhỏ ở mục này:

  • Đừng tin ChatGPT 100%, nó chỉ là một công cụ tìm kiếm, không phải là một chuyên gia! Bạn có thể tìm một giải thuật, một công thức toán, một phương pháp đã có sẵn với độ chính xác cao. Tuy nhiên, khi hỏi về một phương thức mới, ChatGPT lại có xu hướng “đồng tình” với bạn, và đưa ra một loạt lý do khiến bạn “thêm tự tin” vào ý tưởng của mình. Khi này, nếu không tự kiểm tra lại ý tưởng bằng các thực nghiệm cụ thể, kèm đọc thêm kiến thức cùng lĩnh vực, bạn rất dễ rơi vào “bẫy ChatGPT”.
  • Thảo luận để tìm ra phương pháp chung mà các nghiên cứu liên quan thường dùng là một cách tốt để tiết kiệm thời gian của bạn. Nghiên cứu khoa học tuy là tìm ra ý tưởng mới để giải quyết vấn đề, nhưng luôn dựa vào “vai của người khổng lồ”.
  • Không nên nhờ ChatGPT đưa ra ý tưởng để giải quyết vấn đề của bạn. Vì lúc này, nó sẽ lục trong kho dữ liệu của nó rồi đưa cho bạn một phương pháp có nhiều người dùng nhất. Rõ ràng, đây không phải là một ý tưởng mới. Ngược lại, bạn có thể kiểm tra lại xem ý tưởng của bạn đã ai sử dụng chưa với ChatGPT.

Công cụ kiểm tra chính tả, viết lại văn bản

Khi sử dụng tiếng Anh để viết paper, chúng ta thường mắc lỗi chính tả cả về đánh vần lẫn ngữ nghĩa. Các giáo sư ở Hàn Quốc thường sử dụng dịch vụ kiểm tra và viết lại văn bản với giá khá cao, trung bình khoảng 400$ cho một paper 10 trang. ChatGPT xuất hiện thay đổi hoàn toàn cuộc chơi, khi chúng ta hoàn toàn có thể nhờ ChatGPT kiểm tra và viết lại một cách “miễn phí”, hoặc với chi phí rất rẻ. Một số mẹo nhỏ ở mục này:

  • Hãy cung cấp cho ChatGPT đầy đủ thông tin về: thể loại, nội dung chính và phong cách viết bạn muốn. Bởi vì, từ ngữ quá “học thuật” lại gây khó hiểu, và khiến người bình duyệt (reviewer) khó khăn trong việc hiểu bạn muốn nói gì. Ngược lại, ngôn từ bình dân lại trông không “sang”.
  • Cung cấp cho ChatGPT từng đoạn văn một, đừng lười mà quăng cả paper vào. Lượng dữ liệu càng dài, càng khiến cho ChatGPT quên mất nó đang viết gì, trường hợp lặp ý diễn ra thường xuyên, đôi khi là mất ý.
  • Hãy giới hạn lượng từ mà bạn muốn ChatGPT trả lời. Đa phần các tạp chí và hội nghị đều giới hạn số trang cho một paper.

Công cụ tạo công thức, bảng và các dữ liệu LaTeX

Việc soạn thảo paper bằng LaTeX tuy không hao tổn chất xám nhưng lại là đoạn mất nhiều thời gian của tác giả paper. ChatGPT rất hữu ích trong việc giúp bạn tạo công thức, tạo bảng dữ liệu, kiểm tra và sửa lỗi cấu trúc của paper viết bằng LaTeX. Một số mẹo nhỏ ở mục này:

  • Bạn có thể quăng dữ liệu dưới dạng CSV (Comma-Separated Values) hoặc các dạng định dạng khác cho ChatGPT, và yêu cầu nó tạo bảng dữ liệu với hình thức dễ nhìn, thậm chí là đẹp, dưới dạng LaTeX. Mở rộng, bạn cũng có thể yêu cầu ChatGPT cung cấp code python, matplotlib để tạo biểu đồ từ dữ liệu bạn cung cấp.
  • Đối với công thức toán, bạn có thể soạn thảo bằng Word, hoặc viết tay rồi đưa hình cho ChatGPT để tạo cho mình phiên bản LaTeX. Mở rộng, các công thức cơ bản, hoặc đã sử dụng bởi các tác giả khác có thể được tạo bởi ChatGPT nếu bạn cung cấp đủ thông tin cho nó.

Lời kết

ChatGPT có thể giúp chúng ta viết paper nhanh hơn và hiệu quả hơn. Trên đây là 4 khả năng của ChatGPT được mình khai thác nhiều nhất trong năm qua. Mẹo cuối cùng, thay vì đăng ký một tài khoảng ChatGPT (20USD/tháng) bạn có thể tự build cho mình một trang web GPT, đăng ký một tài khoản OpenAI API. Chi phí trung bình một tháng của mình chưa đến $8 - vừa viết paper, còn vừa hỏi code nữa (mình ngoài viết paper còn code sản phẩm thực tế).